Căn bệnh gây tử vong cho 3 triệu người đang bị bỏ quên

Chia sẻ tin này:

Đa số bệnh nhân mắc bệnh này thường vào viện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị khó khăn, bệnh nhân phải thở máy, thậm chí tử vong. Đây là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ tư trên thế giới.

Căn bệnh gây tử vong cho 3 triệu người đang bị bỏ quên - 1

Bệnh nhân bị viêm tắc nghẽn phổi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai.

Mắc bệnh 10 năm không biết

Ông Nguyễn Văn D. trú tại Thái Bình là bệnh nhân thường xuyên của trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai. Ông D. 66 tuổi, cho biết, từ 10 năm trước ông đã bị bệnh co thắt phế quản. Mỗi năm ông đều cấp cứu vài lần. Mỗi lần cấp cứu ở bệnh viện huyện, bác sĩ đều chẩn đoán giãn phế quản và tiêm kháng sinh. Sau một thời gian dễ thở hơn ông lại về nhà. Từ đó đến nay năm nào cũng đi viện vài lần vì khó thở nhưng không biết bệnh gì.

Gần đây, ông D. vừa khó thở vừa tăng huyết áp. Bệnh viện huyện can thiệp nhưng huyết áp cứ tăng nên giới thiệu lên tuyến tỉnh. Tại đây bác sĩ cũng không kiểm soát được huyết áp và tình trạng khó thở của ông. Để thở được ông ngồi dậy vịn tay vào thành giường cố gắng hít từng chút không khí, có lúc bác sĩ phải cho thở bằng bình ôxy.

Ông D. được đưa lên bệnh viện Bạch Mai khi bệnh quá nặng. Tại đây, bác sĩ nghe phổi và tiến hành đo chức năng hô hấp chẩn đoán viêm tắc nghẽn phổi mãn tính. Người nhà ông còn không biết gì về căn bệnh này. Họ chỉ hiểu ra khi nghe bác sĩ hỏi về bệnh sử và ứng với cha mình thì quá đúng.

Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị H. trú tại Bắc Giang, bà H. bị ho nhiều và khó thở. Bà đi kiểm tra bác sĩ còn cho rằng bị viêm họng hạt mãn tính. Bà H. sống chung với bệnh này vài năm nay và mỗi lần ho, khó thở bà lại đến bệnh viện tiêm kháng sinh rồi về. Đến khi ho nhiều, bệnh nặng không thở được bác sĩ mới giới thiệu bà lên Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm tắc nghẽn phổi mãn tính.

3 triệu người chết mỗi năm

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, đây là căn bệnh nguy hiểm. Mỗi năm căn bệnh này cướp đi mạng sống của 3 triệu dân trên toàn thế giới.

Có nhiều người bị viêm tắc nghẽn phổi mãn tính lại nhầm với viêm họng hạt. Nhiều

trường hợp bệnh nhân đến khám khi bệnh đã quá nặng, để lại hậu quả đáng tiếc. Đa số người bệnh đều không biết gì về bệnh này mà họ chỉ nghĩ đó là bệnh giãn phế quản. Thậm chí cả nhân viên y tế tuyến cơ sở cũng ít biết đến những biểu hiện của bệnh.

Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Giám đốc trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viêm tắc nghẽn phổi mãn tính là căn bệnh nguy hiểm nhưng ít người để ý đến nó. Bệnh nhân vào viện đều ở tình trạng bệnh nặng.

Bệnh có triệu chứng như ho, khạc đờm, khó thở. Những bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mãn tính 90% có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào.

Khi khám có dấu hiệu từ trên lồng ngực của bệnh nhân có tiếng ran, để khẳng định tắc nghẽn mãn tính cần đo chức năng phổi qua máy là phát hiện được bệnh.

Tuy nhiên, GS Châu cho biết trên thực tế bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và chỉ chẩn đoán khi bệnh đã nặng.

Bệnh nhân bị viêm tắc nghẽn phổi mãn tính thường tăng lên trong thời điểm giao mùa. Trong lúc giao mùa khả năng bị nhiễm vi khuẩn từ đường hô hấp trên, hô hấp dưới làm cho tình trạng co thắt phế quản, chất nhày nhiều lên làm rối loạn thần kinh, bệnh trở nên nặng lên.

Cách dự phòng tốt nhất của bệnh này là “nói không hút thuốc lá. Những ai hút nên dừng càng sớm càng tốt, tránh yếu tố gây bệnh đã được chứng minh từ nhiều năm nay, cải thiện được không khí trong lành. Không đun bếp than vì khói than là yếu tố gây bệnh, kể cả khói than củi, khói từ bếp rơm, bếp rạ” – GS Châu nhấn mạnh.

Ngoài ra, những trường hợp bản thân bệnh nhân không hút nhưng trong nhà có người hút thì cũng bị ảnh hưởng, nhất là ở gia đình có những cháu có bất thường về gen.

Để phòng chống bệnh hô hấp cho cả gia đình, giáo sư Châu cho rằng mỗi người nên cố gắng tạo môi trường không khí trong lành, khói thuốc do môi trường, giảm thiểu yếu tố ô nhiễm môi trường nơi làm việc, nơi mình sinh sống, từ việc đảm bảo thông khí tốt, lắp điều hoà nhiệt độ….

Người bị bệnh hen, viêm phế quản nên tránh nhà có khí độc, không nên nuôi những con vật như chó mèo, hạn chế các đồ chứa bụi dị nguyên đường hô hấp.

Nguồn 24h.com.vn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận