Vi-rút Zika là gì và tôi có nên lo lắng về nó không?

Chia sẻ tin này:
Vi-rút Zika là một loại vi-rút lây truyền qua muỗi đốt. Phần lớn người nhiễm vi-rút Zika không có dấu hiệu hay triệu chứng nào, trong khi một số người có thể có sốt nhẹ, phát ban và đau cơ.



Vi-rút Zika là gì và tôi có nên lo lắng về nó không?

Vi-rút Zika là một loại vi-rút lây truyền qua muỗi đốt. Phần lớn người nhiễm vi-rút Zika không có dấu hiệu hay triệu chứng nào, trong khi một số người có thể có sốt nhẹ, phát ban và đau cơ. Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể là đau đầu, mắt đỏ (viêm kết mạc) và cảm giác khó chịu. Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm vi-rút Zika thường xuất hiện từ 2 đến 7 ngày sau khi bị muỗi nhiễm vi-rút Zika đốt.

Vi-rút Zika có thể gây tật đầu nhỏ (một dị tật não bẩm sinh có thể gây tử vong) ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm vi-rút trong quá trình mang thai. Vi-rút Zika cũng có thể gây ra các rối loạn thần kinh khác như hội chứng Guillain-Barre.

Hiện tại chưa có vacxin phòng vi-rút Zika và cũng chưa có phương pháp điều trị chống vi-rút Zika hiệu quả. Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là giảm triệu chứng bằng cách nghỉ ngơi, bù dịch và dùng các thuốc như acetaminophen (Tylenol…) và ibuprofen (Advil, Motrin IB…) nhằm giảm đau khớp và hạ sốt.

Vi-rút Zika được tìm thấy ở đâu?

Vi-rút Zika lần đầu tiên được phát hiện tại thung lũng Zika ở châu Phi vào năm 1947. Sau đó các vụ dịch được báo cáo tại Đông Nam Á, Nam Á, các đảo thuộc Thái Bình Dương và châu Mỹ. Hơn 650 ca đã được báo cáo tại Brazil từ tháng 5/2015.

Vi-rút Zika được lan truyền bởi muỗi Aedes, một loại muỗi có thể tìm thấy khắp nơi trên thế giới. Chính vì lí do này, các vụ dịch có khả năng tiếp tục lan rộng tới các quốc gia mới. Nhưng vi-rút Zika không lây truyền từ người sang người.

Puerto Rico đã báo cáo ca nhiễm vi-rút Zika đầu tiên vào tháng 12 năm 2015. Không có ca nhiễm địa phương nào tại Mỹ nhưng đã có trường hợp nhiễm vi-rút Zika được báo cáo từ các vị khách du lịch trở về Mỹ.

Mức độ lo lắng của tôi nên như thế nào?

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo tất cả các phụ nữ mang thai tránh du lịch tới vùng có dịch. Vi-rút có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh nếu mẹ bị nhiễm vi-rút Zika lúc mang thai.

Nếu bạn đang du lịch tại vùng có dịch vi-rút Zika, hãy có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, chủ yếu là tránh bị muỗi đốt bằng cách sử dụng kem chống côn trùng có chứa DEET hoặc picaridin, mặc áo dài tay, quần dài đã tẩm permethrin và ở trong nhà khi có thể.

Phần lớn người bệnh được hồi phục hoàn toàn sau khoảng 1 tuần.

Khi nào tôi nên đi khám?

Bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ bạn hoặc thành viên trong gia đình có thể nhiễm vi-rút Zika, đặc biệt nếu bạn vừa trở về từ vùng đang có dịch. CDC có xét nghiệm máu để tìm vi-rút Zika hoặc các bệnh tương tự như sốt xuất huyết hoặc vi-rút chikungunya, vì chúng được truyền bởi cùng một loại muỗi.

Bác sĩ Nghiêm Huyền Trang1, Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng2


[1] BSNT K40, Chuyên ngành Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội

[2] Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Nguồn: http://www.mayoclinic.org/zika-virus…s/faq-20178199

Bs Đinh Văn Hào tổng hợp

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận