Bệnh viện Nhi Trung ương: Khám lúc 7h để tránh nắng nóng

Chia sẻ tin này:

Để ứng phó với thời tiết mùa hè nắng nóng, đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân cho con đi khám bệnh sớm, BV Nhi Trung ương tổ chức thêm nhiều phòng khám từ 7 giờ sáng để phục vụ bệnh nhân.

Ths.Bs Trương Thị Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, tại khoa Khám bệnh làm các bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhân từ 7h (sớm hơn 1 giờ so với giờ làm việc thông thường). Ngoài các bác sĩ trực đêm phục vụ khám cấp cứu, còn có các phòng khám dịch vụ tự nguyện ngoài giờ khám sớm từ 6h sáng hoặc sau giờ làm việc (16h30 – 22h) để phục vụ bệnh nhân.

Chị Lê Thị Vân (Mỹ Đức, Hà Tây) cho biết, con chị đã sốt ngày thứ 2 vẫn không dứt, nên từ Mỹ Đức, vợ chồng chị đi từ 5h sáng ra BV Nhi Trung ương khám cho con. Thay vì phải ngồi chờ, chị đã cho con vào khám sớm ngay từ 6h sáng. “Tầm 6 -7 giờ, trẻ đã đến khám ùn ùn, vì bố mẹ nào cũng sợ nắng nóng nên đưa con đi khám sớm”, chị Vân cho biết.

Tại các sảnh chờ khám được trang bị thêm ghế, quạt để chống nắng cho người bệnh. Ảnh: Đ.H
Tại các sảnh chờ khám được trang bị thêm ghế, quạt để chống nắng cho người bệnh. Ảnh: Đ.H

Được biết, tại Khoa khám bệnh luôn duy trì số lượng 45 – 50 phòng khám đa khoa và chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu khám từ 2.500 – 3000 trẻ mỗi ngày vì các bệnh lý sốt vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, tay chân miệng, viêm màng não vi rút…

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, để đối phó với nắng nóng, bệnh viện cũng đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh. Với những ngày cao điểm bệnh nhân tăng, Bệnh viện cũng huy động và tăng cường các bác sỹ, điều dưỡng từ khu nội trú ra khoa Khám bệnh vào các buổi sáng cho những khoa có lưu lượng bệnh nhân đến khám đông như chuyên khoa hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm;…Huy động các nhân viên khu vực hành chính, phòng ban chức năng tham gia đội ‘Tiếp sức người bệnh” cùng với nhân viên phòng Truyền thông và Chăm sóc khách hàng của Bệnh viện tiếp đón, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và gia đình các thủ tục khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; khám dịch vụ; dẫn bệnh nhân đi làm xét nghiệm, siêu âm…

PGS. Hải khuyến nghị khi trẻ có dấu hiệu bệnh, nếu không phải tình trạng bệnh nặng, cấp cứu, gia đình nên cho bệnh nhi đến khám tại các cơ sở y tế địa phương, vừa tránh nắng nóng cho trẻ do phải di chuyển xa, vừa giúp giảm tải cho tuyến trung ương.

PGS Hải cho biết, nắng nóng kéo dài sẽ xuất hiện tình trạng nhiều bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều, việc vệ sinh không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp.

Vì thế, bệnh viện cũng khuyến cáo các gia đình cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10h – 16h bởi trẻ dễ bị say nắng do đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao.

Trong nhà, cần sử dụng điều hòa nhiệt độ từ 25 – 28 độ C. Đặc biệt lưu ý không vào ngay phòng điều hoà khi vừa đi ngoài nắng về vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây nguy cơ rối loạn chức năng điều nhiệt nhiệt ở trẻ, là nguyên nhân gây ốm. Thay vào đó nên mở cửa phòng, đứng khoảng 1 phút để thích nghi dần với sự mát lạnh bên trong rồi mới bước vào phòng. Trong phòng nên có quạt thông gió để tránh tình trạng phòng quá kín, cảm giác không khí mát nhưng có thể tích trữ vi khuẩn, vi rút gây bệnh.

Hồng Hải

Nguồn Dân trí

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận