Điều trị bằng sóng ngắn

Chia sẻ tin này:

1. Khái niệm sóng ngắn:
– Sóng ngắn là những bức xạ điện từ có bước sóng tính bằng mét (còn gọi là sóng radio cao tần, hay điện trường cao tần), sóng ngắn dùng trong điều trị thông thường có bước sóng 11m (tương đương tần số 27,12KHz) và 22m (tần số 13,56KHz). Người ta tạo ra sóng ngắn bằng cách cho dòng điện siêu cao tần chạy trong các điện cực kim loại (điện cực cứng hình đĩa, điện cực mềm, điện cực cáp, điện cực kim…), các điện cực này sẽ phát ra các bức xạ điện từ có tần số đúng bằng tần số của dòng điện trong mạch.
2. Tác dụng vật lý của sóng ngắn:
2.1. Các phương thức tác dụng của sóng ngắn:

+ Phương thức tụ điện (hình 4.1-a): Nối hai bản điện cực (điện cực đôi) với máy cao tần thì hai điện cực này tạo với nhau thành một tụ điện, và ở giữa chúng xuất hiện một điện trường cao tần có tần số bằng tần số của dòng điện. Nếu đặt tổ chức cơ thể vào trong điện trường này thì tổ chức sẽ nóng lên. Nhiệt sinh ra do phương thức tụ điện ở tổ chức mỡ nhiều hơn tổ chức cơ và tạng. Tương ứng với phương thức nàu ta có các loại điện cực đôi, gồm hai bản điện cực nối với hai cực của nguồn điện, tạo nên hiệu ứng tụ điện, bao gồm: Điện cực hình đĩa và điện cực mềm bằng cao xu…

+ Phương thức cảm ứng (Hình 4.1-b): khi cho dòng điện cao tần chạy qua một dây dẫn (điện cực cáp) hay một cuộn dây cảm ứng (điện cực đơn) thì xung quanh sẽ xuất hiện một từ trường cao tần. Nếu đặt tổ chức vào từ trường này cũng sẽ nóng lên. Nhiệt sinh ra do phương thức cảm ứng này ở tổ chức nhiều nước và điện giải (cơ và tạng) nhiều hơn ở tổ chức mỡ. Tương ứng với phương thức này, ta có các loại điện cực đơn: Chỉ có một điện cực là một cuộn dây cảm ứng để tạo nên hiệu ứng dòng điện cảm ứng, như: điện cực dòng xoáy (circuplode) còn gọi là điện cực Foucault và điện cực dòng xoáy 3 chiều (flexiplode).
2.2. Tác dụng sinh nhiệt:
Khi đặt phần tổ chức cơ thể hay các vật dẫn điện khác trong điện từ trường của dòng điện cao tần, các phân tử lưỡng cực trong cơ thể (một đầu âm một đầu dương, điển hình là phân tử nước) sẽ xoay theo sự đảo chiều của dòng điện với tần số rất cao bằng tần số dòng điện, động năng của các phân tử này sẽ chuyển thành nhiệt năng làm tổ chức nóng lên.
Khác với các phương pháp nhiệt bề mặt chỉ tác dụng nhiệt ở nông, nhiệt do sóng ngắn tạo ra là nhiệt sâu, hay nhiệt khối, còn gọi là nội nhiệt, tức là năng lượng lý học trực tiếp truyền theo 3 chiều của khối tổ chức, năng lượng này chuyển thành nhiệt. Nhiệt khối làm cho cơ thể dễ chịu (hợp sinh lý) hơn nhiệt bề mặt. Khả năng sinh nhiệt của tổ chức dưới tác dụng của sóng ngắn phụ thuộc vào hằng số điện môi và dung kháng của tổ chức đó. Nếu tổ chức có nhiều nước và điện giải thì khả năng sinh nhiệt càng cao, ngược lại tổ chức có hàm lượng nước và điện giải thấp thì khả năng sinh nhiệt kém. Ví dụ: khi dùng dòng cao tần 2450MHz thì nhiệt độ của các tổ chức tăng lên như sau: mô cơ là 50-520C, mô gan là 43-450C, mô da là 40-430C.
2.3.Tác dụng tăng chuyển hóa:
Do tác dụng của sóng ngắn gây tăng nhiệt nên có tác dụng làm tăng các phản ứng hóa học và tăng chuyển hóa, phù hợp theo định luật Vant Hoff: khi tăng nhiệt độ lên 10C thì chuyển hóa tăng lên 13%.
3. Tác dụng điều trị:
3.1. Tác dụng giảm đau:

Nhiệt sóng ngắn còn ức chế các sợi dẫn truyền cảm giác đau. Trên hạch giao cảm, nhiệt khối tác dụng lên các hạch giao cảm cổ và thắt lưng làm dịu và giảm căng thẳng của hệ thần kinh thực vật, do đó có tác dụng giảm đau ở nội tạng. Tác dụng giảm đau còn do tăng tuần hoàn cục bộ làm tăng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa, tái hấp thu các dịch tiết bị tích tụ, ngoài ra tăng nhiệt còn làm giãn và giảm trương lực cơ vân.
3.2. Tác dụng chống viêm:
Sóng ngắn làm tăng bạch cầu đến tổ chức viêm, tăng khả năng di chuyển và thực bào của thực bào do đó có tác dụng chống viêm rất tốt.
3.3. Tác dụng đối với mạch máu:
Với liều điều trị nhiệt khối gây giãn mạch, giảm ứ đọng, tăng cường lưu lượng máu lưu thông.
Ngược lại với liều mạnh và thời gian kéo dài lại có tác dụng co mạch thậm chí đe dọa tắc mạch.
3.4. Tác dụng lên hệ thần kinh vận động:
Khi điều trị băng sóng ngắn kết hợp với vận động liệu pháp sẽ làm tăng nhanh sự dẫn truyền thần kinh vận động, điều này đáp ứng tốt cho công việc phục hồi chức năng.
4. Các phương pháp điều trị bằng sóng ngắn.
4.1. Phương pháp dùng điện cực tụ:

– Đặt 2 điện cực đối diện:

+ Hai điện cực có diện tích bằng nhau và khoảng cách tới da tương đương thì mật độ năng lượng tập trung đều ở hai bên, nếu các điện cực đặt cách xa da thì mật độ năng lượng tập trung ở sâu (Hình 4.2-1), các điện cực càng gần da thì mật độ tập trung ở lớp nông hơn.
+ Hai điện cực diện tích bằng nhau, nhưng khoảng cách tới da khác nhau thì mật độ năng lượng tập trung ở lớp nông phía điện cực gần da hơn.
+ Hai điện cực diện tích khác nhau đặt khoảng cách tới da cân xứng thì bên điện cực nhỏ tập trung nhiều năng lượng hơn.
– Đặt 2 điện cực trên một mặt phẳng: năng lượng tập trung ở lớp nông giữa hai điện cực.
– Hai điện cực tạo với nhau một góc: năng lượng tập trung ở góc tạo bởi hai điện cực.
4.2. Phương pháp dùng điện cực cảm ứng.
– Đặt điện cực đơn flexiplode (điện cực cuộn cảm hình đĩa, còn gọi là coil, hay điện cực Faucault) và điện cực vi sóng thẳng góc với vùng điều trị, với điện cực vi sóng đặt cách da 1-5cm: mật độ năng lượng đều từ nông vào sâu.
– Đặt điện cực cáp (hay điện cực circuplode): Chú ý có phương tiện tách biệt 2 dây cáp không tiếp xúc nhau. Điện cực cáp được quấn vòng quanh vùng điều trị nhiều vòng với khoảng cách trung bình giữa các vòng là 15cm, các vòng càng gần nhau thì năng lượng tập trung càng lớn.
4.3. Phương pháp dùng điện cực dạng kim.
Một điện cực dạng kim được đưa vào cơ thể sát vùng cấu trúc thần kinh cần kiểm soát, bệnh nhân được cách điện hoàn toàn, kim điện cực được bao phủ bởi bao cách điện chỉ phần chóp của kim khoảng 2 – 15mm tiếp xúc trực tiếp với cấu trúc thần kinh. Sóng ngắn được phóng ra từ máy qua kim điện cực dựa trên 2 hiệu ứng: nhiệt độ và tác động sinh học, giúp kiểm soát dẫn truyền thần kinh trong cơ chế đau.
Phương pháp dùng sóng ngắn với điện cực kim được chỉ định điều trị các bệnh lý liên quan đến đau thắt lưng, như đau cột sống có hoặc không có chèn ép rễ thần kinh, bao gồm cả các bệnh lý về đĩa đệm; đau mặt và đầu do dây thần kinh sinh ba; các chứng đau: sau zona vùng mặt, cổ và vùng ngực trên, đau sau chấn thương vùng chi trên; đau dây thần kinh liên sườn, đau thần kinh trên vai, đau thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, chỉ định điều trị với phương pháp chỉ có thể được thực hiện trong trường hợp chẩn đoán đã rõ ràng. Trong các trường hợp khác cần phải thực hiện kỹ thuật phong bế thần kinh chẩn đoán trước khi tiến hành điều trị với sóng ngắn. Nếu được chẩn đoán rõ ràng và chính xác, bệnh nhân sau khi được điều trị thường có kết quả tốt, với tỷ lệ giảm đau từ 6 tháng trở lên là 90%.

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận