Nơi ươm mầm sự sống ở miền Tây

Chia sẻ tin này:

Ngoài 72 bé chào đời, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ còn theo dõi gần 90 phụ nữ mang thai sau khi điều trị vô sinh.

Từ ngày thành lập vào tháng 7/2010 đến nay, ngày nào Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cũng tư vấn, hướng dẫn điều trị vô sinh cho nhiều cặp vợ chồng ở các tỉnh miền Tây. Những đứa bé bụ bẫm lần lượt ra đời từ các phương pháp điều trị và thụ tinh trong ống nghiệm, Khoa Hiếm muộn thực sự trở thành nơi ươm mầm sự sống.

Noi uom mam su song o mien Tay hinh anh 1
Hàng ngày có nhiều cặp vợ chồng đến Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ để điều trị vô sinh. Ảnh: Việt Tường.

Bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Trưởng khoa Hiếm muộn cho biết, tiền thân của đơn vị là Phòng khám hiếm muộn thuộc Bệnh viện TP Cần Thơ, thành lập năm 2001. Lúc đó, việc điều trị hiếm muộn phần lớn là bơm tinh trùng và bé gái chào đời đầu tiên vào năm 2012.

Sau mười năm hoạt động, có trên 500 đứa bé ra đời nhờ sự hỗ trợ điều trị vô sinh của phòng khám hiếm muộn. Sau khi Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ thành lập, phòng khám được nâng cấp thành Khoa Hiếm muộn.

Đầu năm 2011, tin vui đối với đội ngũ y, bác sĩ của Khoa khi một phụ nữ ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) sinh hai bé gái từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, mọi người tiếp tục vui mừng khi sản phụ ở TP Cần Thơ điều trị hiếm muộn đã sinh con bình thường khi được chuyển phôi trữ lạnh ở nhiệt độ -196 độ C.

“Trước đây việc trữ phôi rất khó khăn, tỷ lệ thụ thai thấp vì nước trong tế bào phôi không được rút ra. Bệnh viện áp dụng kỹ thuật thủy tinh hóa, rút hết nước trong tế bào phôi, giúp phôi sống tốt vì không bị ‘đông đá’. Hiện, tỷ lệ thành công từ chuyển phôi tươi là 40%, phôi trữ lạnh lên đến 60-70%”, bác sĩ Quang nói.

Theo bác sĩ, phôi tươi được chuyển khi người phụ nữ được chọc hút trứng vài ngày nên tâm lý bệnh nhân chưa ổn định, còn đau đớn. Áp lực chi phí điều trị, dư lượng thuốc trong cơ thể còn cũng là nguyên nhân làm giảm khả năng thụ thai. Đến khi tâm lý ổn định, bệnh nhân được chuyển phôi trữ lạnh thì tỷ lệ đậu thai sẽ tăng lên.

Ngoài các kỹ thuật tiên tiến để giúp phụ nữ vô sinh tăng khả năng thụ thai, Khoa Hiếm muộn còn đầu tư tiền tỷ để trang bị máy kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng. Với kỹ thuật này, vỏ phôi được bào mỏng bằng laser, thay cho việc sử dụng axit.

Noi uom mam su song o mien Tay hinh anh 2
Hình ảnh những bé chào đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ. Ảnh: Việt Tường.

Trò chuyện cùng phóng viên, chị Thu ở Sóc Trăng cho biết, có chồng 7 năm và hai lần mang thai nhưng chưa được làm mẹ vì phải cắt tai vòi do thai ngoài tử cung. Sau một tháng đến Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ vào đầu năm 2015, chị Thu mang thai và sinh bé gái bụ bẫm từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

“Tôi còn trữ 2 phôi tại bệnh viện. Chờ con gái vài tuổi, tôi tiếp tục sinh con mà không phải tốn thêm nhiều tiền”, người mẹ có con 6 tháng tuổi chia sẻ.

Với những phụ nữ không còn trứng, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cũng giúp họ được làm mẹ từ việc xin trứng của người khác. Cách điều trị vô sinh này được cho là nhân văn khi tinh trùng được lấy của người chồng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và trứng xin được chuyển phôi cho người vợ.

“Người mẹ mang thai con cả một chu kỳ nên tình cảm của họ rất gắn bó dù đó không phải là con ruột. Áp dụng phương pháp này thì đứa con sinh ra chính là huyết thống, sự di truyền của người chồng”, một bác sĩ nói.

Theo thống kê của Khoa Hiếm muộn, gần sáu năm thành lập, nơi đây đã giúp cho 72 phụ nữ sinh con. Các bé đang lớn dần trong tình yêu thương và hạnh phúc của những gia đình hiếm muộn.

Noi uom mam su song o mien Tay hinh anh 3
Bác sĩ Nguyễn Việt Quang vui mừng khi ngoài 72 bé đã chào đời, Khoa Hiếm muộn còn đang theo dõi 86 phụ nữ mang thai từ các phương pháp điều trị vô sinh. Ảnh: Việt Tường.

“Mỗi bé chào đời chúng tôi xem như con ruột của mình. Cha mẹ các bé ở tỉnh xa, mỗi lần có việc đến Cần Thơ đều đưa con đến khoa chơi. Hiện tại 86 phụ nữ đang mang thai và các bé sắp chào đời từ các phương pháp điều trị vô sinh tại đây”, bác sĩ Nguyễn Việt Quang nói trong niềm vui của ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Theo ông Quang, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ đang xây dựng đề án Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và giao cho Khoa Hiếm muộn thực hiện. Khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, bệnh viện sẽ thực hiện đề án này, giúp thêm những gia đình hiếm muộn ở miền Tây có con, giảm chi phí khi đi thực hiện việc mang thai hộ ở 3 trung tâm lớn là TP HCM, Huế và Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang: “Tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ trước đây được đánh giá là 40% cho mỗi bên, 20% còn lại là nguyên nhân khác. Gần đây, tỷ lệ vô sinh ở nam bắt đầu tăng lên do tinh trùng yếu. Tinh trùng yếu do ảnh hưởng công việc hàng ngày và lối sống của người nam”.

Cần sửa quy định về mang thai hộ

Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Viết Tiến nói rằng, thời gian tới cần phải sửa những khía cạnh chưa phù hợp thực tiễn trong quy định cho phép mang thai hộ.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Nguồn news.zing.vn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận