Nữ sinh bị bỏng nặng do nướng cá bằng cồn

Chia sẻ tin này:
Cùng bạn nướng cá bằng cồn cho tiệc liên hoan chia tay lớp, Linh (22 tuổi, Cao Bằng) bị ngọn lửa bốc cao khiến toàn bộ mặt, cổ và hai chân bị bỏng nặng.

Điều trị tại khoa Bỏng, Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) đã gần 2 tháng, toàn bộ khuôn mặt, vùng cổ, tay trái và đôi chân của Nguyễn Thị Linh vẫn còn đỏ, vết bỏng loang lổ, nhiều nốt phỏng đã se lại. Không còn cảm giác đau rát kinh khủng như trước, giờ cô gái lại ngứa ngáy khó chịu.

“Toàn bộ đầu, cổ băng kín nóng bức khó chịu muốn gãi mà không gãi được, vết thương ở tay chân nhiều chỗ đang lên da non”, Linh nói.

Sau gần 2 tháng điều trị, vết bỏng của Linh đã đỡ hơn rất nhiều.

Đến giờ cô gái vẫn chưa thể quên được bữa tiệc chia tay thời sinh viên đáng buồn đó. Hôm đó cùng các bạn đại học tại Hà Nội tổ chức liên hoan, trong đó có món cá chỉ vàng nướng. Linh đang lúi húi nướng cá bằng cồn, cô bạn ngồi đối diện tưởng cồn đã hết nên cầm cả chai nhựa đổ thẳng vào cá đang nướng dở. Ngọn lửa bùng nhanh làm cô bạn kia giật mình đổ càng mạnh, vứt cả chai cồn xuống bếp. Linh ngồi đối diện nên hứng cả ngọn lửa đang cháy.

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội cho biết, Linh bị bỏng rất nặng, vết bỏng sâu, đặc biệt là vùng má trái. Các bác sĩ dùng màng sinh học điều trị những vết bỏng, phải một thời gian nữa khuôn mặt của cô gái mới có thể trở về như cũ.

Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè là các ca bỏng do cồn lại tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan của người nướng, tưởng lửa tắt là hết cồn nên tiếp tục đổ cồn vào trong khi đó lửa vẫn cháy cồn màu trắng nên khó nhận biết. Khi ngọn lửa bùng lên, nhiều người có phản xạ là rụt tay và làm rơi cả chai/lọ cồn xuống, ngọn lửa càng bùng phát mạnh và gây bỏng.

Vì thế, người dân cần phải cẩn trọng khi nướng mực bằng cồn. Bỏng cồn thường là bỏng nặng, trên diện rộng cơ thể, bỏng đường hô hấp. Theo bác sĩ Thống, từ đầu hè đến nay, số ca cấp cứu, điều trị do bỏng tăng 15-20% so với bình thường. Trong đó, người lớn thường bị bỏng do cồn; còn trẻ nhỏ bỏng nước sôi là chủ yếu, có trẻ mới vài tháng tuổi.

Khi bị bỏng, cần tìm cách dập lửa bằng nước, không nên bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng. Thay vào đó là dùng nước mát, sạch, dội nhẹ nhàng, liên lục vào vết thương trong vòng 16-20 phút để giảm độ sâu của bỏng, sau đó có thể băng ép và đưa đến cơ sở y tế. Nếu quãng đường đến viện xa thì có thể bù dịch cho bệnh nhân bằng uống oresol, nước chè đường để tránh sốc.

>> Xem thêm

Phương Trang

Nguồn vnexpress.net

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận