Vì sao bệnh nhân vào viện bệnh nhẹ nhưng ra viện bệnh nặng?

Chia sẻ tin này:

Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, có trường hợp đến bệnh viện mức độ bệnh nhẹ, song do kiểm soát nhiễm khuẩn cơ sở y tế không tốt dẫn tới tình trạng bệnh nặng.

Vì sao bệnh nhân vào viện bệnh nhẹ nhưng ra viện bệnh nặng? - 1

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, hơn 100 trẻ có lẽ không tử vong do dịch sởi năm 2014 nếu cơ sở y tế kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh ngày 23/6, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, hiện nay nhiều bệnh viện coi nhẹ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, trong khi đây lại là khâu quan trọng quyết định việc điều trị thành công của người bệnh.

Theo ông Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện là gánh nặng cho người bệnh, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Tại Việt Nam, ông Tiến cũng thừa nhận, vấn nạn nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị bệnh. Có trường hợp khi đến bệnh viện mức độ bệnh nhẹ, song do quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn cơ sở y tế không tốt dẫn tới tình trạng bệnh nặng, khi ra viện có thể tử vong.

Lãnh đạo Bộ Y tế lý giải, ngoài khí hậu, thời tiết mưa ẩm, gió mùa, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, người đứng đầu cơ sở khám bệnh chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Do vậy, đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết.

Bên cạnh đó lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận, đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát NKBV chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách, cá biệt có tình trạng nhân lực bộ phận này là “con ông cháu cha” trong ngành, chưa được đào tạo bài bản để thành bác sỹ, điều dưỡng, y tá.

Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế cũng nhắc tới vụ dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong mà nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt.

“Hơn 100 trẻ có lẽ không tử vong do dịch sởi nếu người dân không đổ xô lên tuyến trung ương khám bệnh; nếu người dân không bỏ tiêm vắc xin sởi, nếu cơ sở y tế làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn…”, ông Lương Ngọc Khuê nói.

Từ bài học đau xót đó, vị lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, các cơ sở y tế bên cạnh việc chỉ chú trọng vào việc mua sắm máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Y tế thời gian vừa qua trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4% .

Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, khảo sát trên 3.671 bệnh cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%.

Nguồn 24h.com.vn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận