Chứng khó phát âm: dấu hiệu triệu chứng và nguyên nhân

Chia sẻ tin này:

Chứng khó phát âm: dấu hiệu triệu chứng và nguyên nhân

Mô tả

Chứng khó phát âm là một rối loạn về phát âm (tức sự tạo âm) do rối loạn chức năng của thanh quản và/hoặc dây thanh âm. Giọng bệnh nhân có thể khàn khàn, yếu, giọng thở mạnh, thô ráp hoặc chói tai.

Nguyên nhân

Hay gặp

Viêm thanh quản do virus.

Polyp dây thanh âm.

Do điều trị (đặt nội khí quản kéo dài).

Ít gặp

Khối u (ung thư biểu mô tế bào vảy).

Liệt thần kinh quặt ngược thanh quản (Ví dụ: do điều trị, khối u Pancoast, chấn thương xuyên cổ, phình động mạch chủ ngực).

Co thắt thanh quản.

Hội chứng tủy bên (hội chứng Wallenberg)

Giải phẫu và phân bố thần kinh chi phối các cơ thanh quản và dây thanh

Hình. Giải phẫu và phân bố thần kinh chi phối các cơ thanh quản và dây thanh

Cơ chế

Chứng khó phát âm do bất thường về thanh quản, dây thanh hoặc các dây thần kinh chi phối các cơ quan này, dẫn tới rối loạn về phát âm do sự thay đổi chức năng cơ học của thanh quản và dây thanh.

Các nguyên nhân:

Rối loạn tại chỗ của dây thanh hoặc thanh quản.

Rối loạn thần kinh thiệt hầu, thần kinh phế vị và thần kinh quặt ngược thanh quản.

Tổn thương thân não.

Các rối loạn tại chỗ của dây thanh và thanh quản

Rối loạn cơ học về sự đối lập, sự rung và cử động của dây thanh gây ra sự thay đổi trong tạo âm. Nguyên nhân thường gặp bao gồm viêm thanh quản do virus, polyp dây thanh, khối u (Ví dụ: ung thư biểu mô tế bào vảy), chấn thương và do điều trị (đặt nội khí quản kéo dài).

Các rối loạn của thần kinh thiệt hầu, thần kinh phế vị và thần kinh quặt ngược thanh quản

Thần kinh quặt ngược thanh quản có một đoạn chạy dài trong lồng ngực và dễ bị tổn thương do chèn ép hoặc chấn thương tại một số vị trí (Ví dụ: khối u Pancoast, chấn thương xuyên cổ, phình động mạch chủ ngực, giãn nhĩ trái, tổn thương do điều trị trong phẫu thuật mổ mở tuyến giáp). Các rối loạn của thần kinh thiệt hầu và phế vị gây ra khan tiếng do tổn thương liên quan đến nhân thần kinh sọ hoặc các bó thần kinh (Ví dụ: hội chứng tủy bên) hoặc tổn thương thần kinh sọ tại vị trí thoát ra ở thân não (Ví dụ: u cuộn mạch).

Tổn thương thân não

Tổn thương thân não ảnh hưởng đến nhân thần kinh vận nhãn và nhân Edinger-Westphal có thể gây liệt vận nhãn hoàn toàn. Các nguyên nhân bao gồm hội chứng mạch máu trung não, đa xơ cứng và khối u.

Hội chứng tủy bên (hội chứng Wallenberg)

Hội chứng tủy bên thường gặp nhất là hậu quả của nhồi máu vùng động mạch tiểu não dưới sau do suy động mạch đốt sống. Nhồi máu nhân đơn độc và/hoặc nhân mơ hồ ở hành tủy có thể dẫn đến mất phản xạ nôn cùng bên.

Ý nghĩa

Chứng khó phát âm có thể là triệu chứng quan trọng trong rối loạn chức năng thần kinh quặt ngược thanh quản, thần kinh phế vị (dây X) hoặc nhân mơ hồ, nhưng thường liên quan nhất tới viêm thanh quản do virus.

Chứng khó phát âm nên được giải thích trong bối cảnh tổng thể các triệu chứng lâm sàng. Chứng khó phát âm đơn độc kéo dài trên 2 tuần khó có khả năng do viêm thanh quản virus và nên được đánh giá thêm kịp thời.

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận