Giải phẫu: Đường dẫn truyền vận động

Chia sẻ tin này:

ĐƯỜNG DẪN TRUYỀN VẬN ĐỘNG

 
Trong sự tiến hoá của động vật, động vật cấp càng cao thì vận động càng phức tạp, càng tinh vi. Ở loài người, trán rộng và thẳng, không vạt chếch như ở động vật, cũng là do khu vận động ở hồi trán lên lớn nhiều thêm lên.
Cơ được chia ra làm hai loại: cơ vân và cơ trơn nên vận động cũng có hai loại:
– Vận động các cơ vân theo ý muốn, do sự chi phối thần kinh của hệ tháp.
– Vận động các cơ trơn ngoài ý muốn, do sự chi phối thần kinh của hệ ngoại tháp.
Hồi trán lên và các mép lân cận ở khe trung tâm (khe Rolando) là khu vận động ở vỏ não. Theo L.P. Pavlop, khu này được coi như là một cơ quan phân tích, vừa tiếp thu vừa phân tích các kích thích do đường dẫn truyền cảm giác bản thể chuyển tới, vừa chuyền ra các phản ứng vận động thích hợp. Dưới đây về phương diện Giải phẫu, xin trình bày đường truyền ra từ vỏ não  tới cơ quan đáp ứng là các cơ (mà thường người ta gọi là đường dẫn truyền vận động đi xuống).
Đường dẫn truyền vận động đi xuống gồm:
– Đường vận động chính: đường đại não tuỷ sống (tuỷ gai), thuộc hệ tháp.
– Đường vận động phụ: đường đại não – tiểu não – tuỷ gai, thuộc hệ ngoại tháp
– Ngoài các đường chính và phụ đi từ vỏ đại não tới tuỷ gai (đường vỏ gai) còn có đường dưới vỏ, cũng thuộc hệ ngoại tháp.

  1. HỆ THÁP

Hệ tháp có những tế bào tháp, là vì các sợi của các tế bào đó sẽ tạo thành tháp trước của hành não. Gồm có bó vỏ gai và bó vỏ nhân. Phần lớn các tế bào tháp tập chung ở hồi trán lên và phần sau của hồi trán 1 và 2. Phần dưới của hồi trán lên phân tích và vận động các cơ đầu cổ, phần giữa ở chi trên, phần trên ở thân và chi dưới.
1.1. Bó vỏ gai hay bó tháp:
Bó vỏ gai (tractus corticospinalis) hay bó tháp (tractus pyramidalis) là đường vận động ở cổ, thân và tứ chi. Được tạo nên bởi các sợi đi từ vỏ não để tới dừng ở sừng trước tuỷ gai.
– Ở đoan não, bó vỏ gai qua gối và trụ sau của bao trong (crus posterius capsulac internae). Ở bao trong, các sợi vận động xen lẫn với các sợi cảm giác và các sợi liên hợp.
– Ở trung não, bó vỏ gai ở phía trước liềm đen, và chiếm 3/5 giữa của chân cuống đại não. Bó vỏ cầu ở 1/5 ngoài bó gối ở 1/5 trong.
– Ở cầu não, bó vỏ gai bị các cơ sợi ngang của cầu não tách thành các bó nhỏ.
– Ở hành não,bó vỏ gai tạo thành tháp trước và khi tới giới hạn dưới của hành não thì phân làm hai bó:
+ Bó to, gồm 9/10 các sợi, bắt chéo đường giữa gọi là bắt chéo tháp (decussatio pyramidum) và tạo nên bó vỏ gai bên (tractus cortico spinalis lateralis) hay bó tháp chéo.
Sau khi bắt chéo, bó vỏ gai bên tới cột trắng bên của tuỷ gai, nằm ở phía trong các bó tiểu não, ở phía ngoài bó căn bản và ở sau bó cung. Càng đi xuống dưới bó vỏ gai bên càng bé dần, vì tách dần các sợi vào các tế bào vận động ở sừng trước cùng bên của tuỷ gai, đến đốt sống cùng IV, thì tận hết.
+ Bó nhỏ , gồm 1/10 sợi, chạy thẳng xuống tuỷ gai và tạo nên bó vỏ gai trước (tractus cortico spinalis anterior) hay bó tháp thẳng chiếm hai bên rìa của khe giữa trước. Ở tuỷ gai, bó vỏ gai trước sẽ tách dần các sợi, bắt chéo đường giữa và chạy vào các nhân của sừng trước ở bên đối diện. Bó vỏ gai trước tận hết ở dây cùng tuỷ gai.
Ở sừng trước, các sợi sẽ tiếp xúc với các nơron vận động và nhánh trục của nó thì tách khỏi tuỷ gai và tạo nên các rễ trước của dây thần kinh gai, để đến các cơ vân ở cổ, thân và tứ chi.
1.2. Bó vỏ nhân hay bó gối:
Bó vỏ nhân (tractus corticonuclearis) hay bó gối là đường vận động của các cơ đầu và cổ. Được tạo nên bởi các sợi đi từ vỏ não, để tới dừng ở các nhân vận động bên đối diện của dây thần kinh sọ.
Bó vỏ nhân xen lẫn với sợi của bó vỏ gai. Ở bao trong của đoan não, chiếm 1/5 trong của chân cuống đại não, khi đi xuống tách dần các sợi để bắt chéo đường giữa và chạy vào các nhân vận động bên đối diện của dây thần kinh sọ III và IV ở trung não, của các dây sọ V, VI, VII, IX, X, XI, XII ở cầu hành não.
Bó vỏ nhân tận hết ở hành não và là đường vận động các cơ vân của đầu mặt và cổ.
Tóm lại, đường dẫn truyền vận động di xuống thuộc hệ tháp, là một bộ phận của cơ quan phân tích vận động, gồm 2 chặng:
– Chặng 1 là chặng đi từ tế bào tháp ở vỏ não, sau khi bắt chéo đường giữa, đến dừng ở các nhân vận động của dây thần kinh sọ hoặc dừng lại ở các nhân của sừng trước tuỷ đối với các dây thần kinh gai.
– Chặng 2 là chặng đi từ các nhân này, các nhánh trục thoát ra khỏi tuỷ gai, chạy vào rễ trước của các dây thần kinh sọ hay dây thần kinh gai, để đến cơ vân ở đầu mặt cổ (đối với bó vỏ nhân) ở cổ, thân và tứ chi (đối với bó vỏ gai).
Hệ tháp vận động các cơ theo ý muốn, chỉ hình thành khi não trước và nhất là vỏ đại não phát triển. Về tiết hoá, hệ tháp trẻ hơn hệ ngoại tháp. Tổn thương của hệ tháp ở chặng một gây liệt trung ương. Tuỳ theo vị trí của tổn thương ở trên hay ở dưới chỗ bắt chéo, mà liệt trung ương ở cùng bên hay ở bên đối diện (với nơi tổn thương). Tổn thương ở chặng 2 sẽ gây liệt ngoại vi ở cùng bên. Do đó trên lâm sàng, nếu căn cứ vào nơi liệt, thì có thể xác định được vị trí tổn thương ở não hay ở tuỷ gai.

  1. HỆ NHOẠI THÁP

Hệ ngoại tháp tạo nên đường vận động ngoài ý muốn, dẫn truyền các cử động đơn giản tự động hoặc nửa tự động, điều hoà trương lực ở cơ và điều hoà các cử động. Hệ ngoại tháp xuất hiện sớm hơn ở động vật cấp thấp (ếch, cá…)
Hệ ngoại tháp gồm hai đường: đường vỏ đại não – tiểu não- tuỷ gai (hay đường vận động phụ) và đường dưới vỏ.
– Đường vận động phụ có nhiệm vụ kiểm tra sự phối hợp các cử động.
Đường vận động phụ xuất phát từ vó đại não, gồm các sợi trước bắt nguồn ở vỏ hồi não thái dương 2,3 và đi xuống chiếm 1/5 ngoài của chân cuống đại não và tạo nên bó thái dương cầu (tractus temporopontinus).
Các sợi trước và sau, khi đi tới cầu não, tiếp xúc với các nhân cầu (sợi vỏ cầu). Từ nhân cầu, các sợi qua cuống tiểu não giữa để tới vỏ tiểu não, phần lớn ở bên đối diện và phần nhỏ ở cùng bên (sợi cầu – tiểu não). Rồi từ vỏ tiểu não, các sợi tới trám tiểu não cùng bên (sợi tiểu não- trám); và từ trám tiểu não, các sượi đi lên, qua cuống tiểu não trên và bắt chéo đường giữa (mép Wernekink) để tới nhân đỏ của trung não (nhân vận động cầu não, nhân tiền đình hay chất lưới xám). Đó mlà sợi trám đỏ (tạo nên bó đỏ gai) hoặc sợi trám tiền đình, trám mái, trám lưới (tạo nên bó mái gai, bó tiền đình gai, bó lưới gai). Các bó sợi trên lần lượt dừng ở hành não hoặc ở các đoạn tuỷ sống cao thấp khác nhau. Bó mái gai trám gai, đỏ gai, lưới gai dừng lại ở đoạn tuỷ cổ, còn bó tiền đình gai dừng ở đoạn tuỷ thắt lưng.
– Đường vận động dưới vỏ đi từ thể vân, đặc biệt từ bèo nhạt (globus pallidus) qua đồi thị và các nhân dưới đồi (nhân đỏ, thể Luys và liềm đen…) xuống các nhân vận động ở hành não và tuỷ gai.
Các bó ngoại tháp xuất phát từ các nhân dưới vỏ, có liên hệ mật thiết với tiểu não, nhưng chịu sự kiểm soát của vỏ đại não bằng các sợi liên hợp (bó vỏ não – thể vân, bó vỏ não – đồi thị…).
Thuộc hệ ngoại tháp ở tuỷ sống có các bó sau đây:
+ Bó đỏ gai (tractus rubrospinalis) hay bó hồng gai. Được tạo nên bởi các sợi đi từ nhân đỏ ở trung não. Các sợi bắt chéo đường giữa trong trung não, qua cầu hành não, tới cột trắng bên của tuỷ gai, ở đầu trước của bó vỏ gai bên và dừng ở sừng trước. Bó đỏ gai dẫn truyền các xung động về trương lực cơ và vận động trong các phản xạ thăng bằng.
+ Bó mái gai (tractus tectospinalis). Tiếp những sợi từ lồi não (củ não sinh tư) đi lại, qua cầu hành não, tới cột trắng trước của tuỷ gai và dừng ở tuỷ trước. Bó mái gai dẫn truyền các xung động về phản xạ nhìn và nghe.
+ Bó tiền đình tai (tractus vesibulospinalis). Tiếp những sợi ở nhân tiền đình của dây thần kinh VIII và tạo nên hai bó: bó thẳng và bó chéo. Bó tiền đình gai ở phía trước của rễ trước tuỷ gai và dừng ở sừng trước. Dẫn truyền các xung động về thang bằng.
+ Bó trám gai (tractus olivospinalis). Tiếp những sợi ở trám hành, đi xuống tuỷ gai và dừng ở sừng trước. Bó này liên hệ với thể vân, liềm đen, thể Luys. Bó trám gai là một bộ phận của đường kiểm soát tiểu não và tuỷ gai.
+ Bó lưới gai (tractus reticulospinalis). Gồm các sợi đi từ các nhân lưới tới sừng trước tuỷ gai. Có hai bó:
. Bó lưới gai ngoài đi từ các nhân lưới trên, dẫn truyền các xung động làm rễ dàng các cử động của sừng trước bên đối diện.
. Bó lưới gai trong đi từ các nhân lưới dưới, dẫn truyền các xung động làm ức chế các hoạt động của sừng trước cùng bên.
+ Bó cạnh tháp (tractus parapyramidalis). Ngoài các bó ngoại tháp nối trên, còn có bó cạnh tháp. Bó này gồm các sợi phát sinh từ vỏ đại não, đi theo bó vó gai trước (bó tháp thẳng), xuống tuỷ gai dừng ở sừng trước. Đảm bảo sự phối hợp các cử động nửa tự động và nửa theo ý muốn.

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận