Các phân độ bệnh Osgood-Schlatter

Chia sẻ tin này:

1.Bệnh Osgood-Schlatter
Bệnh Osgood-Schlatter thường gặp ở trẻ chơi môn điền kinh, với tỉ lệ 1/5. Tình trạng này thường gặp ở các trẻ nam từ 13 đến 14 và nữ từ 11 đến 12 tuổi. Bệnh Osgood-Schlatter thường gặp ở trẻ nam hơn.
Bị bệnh Osgood-Schlatter có thể gây tâm lý lo âu, do trẻ phải giới hạn các hoạt động chạy nhảy trong một thời gian. Nhưng bệnh Osgood-Schlatter chỉ là tạm thời, và sẽ hết đau sau khi xương trẻ ngừng tăng trưởng, .

2- Triệu Chứng

Triệu chứng và dấu hiệu bệnh Osgood-Schlatter bao gồm:

  • Đau, và sưng ở lồi củ xương (tibial tuberosity) đầu trên xương chày (tibia), ngay dưới xương bánh chè
  • Đau gối tăng khi hoạt động, đăc biệt lúc chạy nhảy, giảm bớt khi nghỉ ngơi
  • Co thắt các cơ xung quanh, đặc biệt các cơ ở đùi (cơ tứ đầu đùi)

Đau thay đổi tuỳ theo từng trường hợp. Một số trẻ chỉ cảm thấy đau nhẹ khi chạy nhảy. Đối với một số trẻ khác, đau gần như liên tục và gây yếu sức. Bệnh Osgood-Schlatter thường xảy ra ở một bên gối, nhưng cũng có khi ở cả 2 bên. Đau kéo dài từ nhiều tuần đến nhiều tháng và có thể tái phát cho đến khi trẻ ngừng tăng trưởng.

3. Nguyên Nhân

Xương mới được hình thành từ sụn tiếp hợp (epiphysis) nằm ở 2 đầu của xương. Sụn không chắc khoẻ như xương, và lực tác động lên sụn tăng trưởng sẽ làm sưng và đau nhức, nhất là khi trẻ hoạt động thể lực nhiều trong giai đoạn tăng trưởng nhanh của tuổi thiếu niên.
Bệnh Osgood-Schlatter là hậu quả của các stress liên tục do vận động tác động lên đầu trên của xương chày, xương lớn nhất ở chi dưới, tại vị trí gắn kết của gân xương bánh chè. Trong các hoạt động đòi hỏi chạy nhảy và gập gối nhiều như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, thể dục dụng cụ và múa ballet, sự co kéo của cơ tứ đầu đùi (quadriceps) sẽ gây căng thẳng lên gân xương bánh chè (patellar tendon) nối khớp gối với lồi củ xương chày (tibial tuberosity).
Gân xương bánh chè có thể bắt đầu kéo rút khỏi vùng nó bám dính trên xương chày (lồi củ xương chày), hậu quả là gây sưng đau. Ở những trường hợp nặng, gân xương bánh chè có thể kéo căng đến nỗi bóc tách ra khỏi xương chày, mang theo một mảnh xương gãy cùng với nó.

4- Khi nào cần đi khám bệnh

Nên đi khám bệnh khi trẻ có các triệu chứng của bệnh Osgood-Schlatter. Cũng nên đi tái khám nếu trẻ đã dùng các thuốc được chỉ định nhưng không bớt đau.
Gân xương bánh chè bám vào mỏm củ xương chày

5- Xét Nghiệm và Chẩn Đoán

Bác sĩ sẽ khám khớp gối của trẻ, tìm kiếm các chỗ sưng, đỏ, đau. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá góc hoạt động của các khớp gối và khớp háng. Chụp X Quang để quan sát các xương ở gối và cẳng chân đồng thời xem xét kỹ vị trí bám dính của gân xương bánh chè trên xương chày.
Phân type bệnh Osgood-Schlatter trên X-quang

6- Biến Chứng

Biến chứng của bệnh Osgood-Schlatter thường ít gặp. Chúng có thể bao gồm đau mãn tính hoặc sưng khu trú nhưng thường bớt khi chườm nước đá hoặc dùng các thuốc kháng viêm. Ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất, một “u” nhỏ trên vị trí sưng của xương chày có khi vẫn tồn tại. U cục nhỏ này có thể tồn tại suốt đời, nhưng cũng không nên quan tâm nhiều vì nó không ảnh hưởng đến chức năng của khớp gối, cho dù khớp gối bên bị trông hơi khác hơn so với khớp gối bên lành của trẻ.

7- Điều Trị

Các triệu chứng của bệnh Osgood-Schlatter thường cải thiện dù không được điều trị một cách chính thức. Tiếp cận điều trị thường bao gồm các hành động tự chăm sóc, ở nhà hay khi tham gia các hoạt động thể thao.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi đau nhiều và các biện pháp tự chăm sóc không đem lại kết quả, bác sĩ có thể phải khuyên trẻ nên dùng nạng cho đến khi khớp gối lành hẳn – thường từ 4 đến 6 tuần.
Trong một số rất ít trường hợp, cần phẫu thuật khi các mảnh xương gãy không lành ở thời kỳ các xương đã ngưng tăng trưởng. Các phẫu thuật được thực hiện theo kỹ thuật Bosworth hoặc kỹ thuật Ferciot, Thomson:

8- Phòng Ngừa

Bệnh Osgood-Schlatter có thể không hoàn toàn phòng ngừa được. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu trẻ nhận biết được các triệu chứng của bệnh và tự giới hạn lại cường độ tập luyện.
Các cơ tứ đầu đùi co kéo sẽ tạo căng thẳng lên gân xương bánh chè (patellar tendon) ở vị trí kết dính của nó vào mỏm củ xương chày (tibial tuberosity), do đó, tập các bài tập thư giãn cơ tứ đầu đùi, gân khoeo (hamstrings) và các cơ bắp chân sẽ giúp đề phòng tình trạng bệnh. Khởi động tốt trước khi tham gia vào các hoạt động điền kinh và thực hiện các bài tập làm nguội ở giai đoạn sau đó cũng có thể giúp ích.

9- Lối sống và điều trị hỗ trợ

Gia đình và trẻ có thể thực hiện một số biện pháp để giảm phản ứng viêm và đau. Điều chủ yếu là làm sao để vùng tổn thương được nghỉ ngơi. Trẻ cần giới hạn những động tác gây ảnh hưởng đến vùng tổn thương như quì, chạy, nhảy hoặc đôi khi cần phải ngưng hoàn toàn việc thực hiện các động tác này trong một thời gian.
Các biện pháp sau đây có thể làm giảm bớt triệu chứng:
+ Đắp nước đá lên vùng tổn thương. Giảm sưng và đau
+ Dùng thuốc giảm đau. Thử dùng các thuốc kháng viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs =NSAIDs), như ibuprofen (Advil, Motrin, v.v.), hoặc acetaminophen (Tylenol, Efferalgan, Panadol), ít gây ảnh hưởng đến dạ dày hơn. Không phải tất cả các NSAID đều dùng an toàn cho trẻ em do đó nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.
+ Bảo vệ khớp gối. Khi trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao, nên khuyên trẻ đeo thêm một miếng đệm trên vùng đau ở đầu gối .
+ Giảm sức ép lên gối. Nên cho trẻ đeo một đai bảo vệ trên gân xương bánh chè khi tham gia những hoạt động có va chạm để giảm co kéo lên vùng gân bám dính với xương chày.
+ Thay đổi hoạt động thể lực. Gợi ý trẻ nên chuyển sang các hoạt động không liên quan đến chạy nhảy như xe đạp, bơi lội cho đến khi hết đau.
+ Chăm sóc vùng chung quanh gối. Khuyên trẻ nên duỗi cơ tứ đầu đùi
+ Hoạt động trở lại. Bao giờ thì trẻ có thể thực hiện lại các hoạt động ưa thích còn tuỳ thuộc vào sức chịu đựng đau. Đa số trẻ có thể tham gia các hoạt động thể lực với tình trạng đau nhẹ mà không gây tổn thương nào đáng kể. Tuy nhiên nếu trẻ cố gắng chơi và ráng chịu đựng cơn đau thì tình hình có thể sẽ xấu đi và gây khó khăn hơn cho việc điều trị. Đau nhiều còn có thể ức chế chức năng hoạt động của cơ và khiến trẻ có nguy cơ dễ bị những chấn thương chi dưới khác.
Một khi hết đau, trẻ có thể dần dần thực hiện lại các hoạt động ban đầu. Tuy nhiên, trẻ có thể cần phải thực hiện thêm các động tác tăng cường lực cho cơ hoặc các bài tập duỗi cơ tứ đầu đùi để giảm nguy cơ tái phát bệnh Osgood-Schlatter. Đau có thể tái phát nhưng thường thì bệnh Osgood-Schlatter sẽ hết đi khi trẻ ngừng tăng trưởng.

10- Đối phó với bệnh

– Trẻ cần ngưng tất cả các hoạt động thể lực cho đến khi khớp gối lành hẳn. Điều này có thể gây sốc tâm lý cho trẻ, nhất là khi đang chơi thể thao ở mức độ thi đua.
– Nếu đau không nặng lắm, trẻ có thể tiếp tục vận động nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Trẻ có thể tham gia vào các hoạt động khác không yêu cầu phải chạy nhảy như chạy xe đạp và bơi lội ở mức độ cao.
– Cần giải thích cho trẻ rằng tình trạng này chỉ là tạm thời và sẽ cải thiện sau khi điều trị kết hợp với việc thay đổi các hoạt động thể lực. Bệnh sẽ hết đi khi trẻ lớn hơn.

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận