Đại cương lượng giá chức năng

Chia sẻ tin này:

Lượng giá chức năng là một phần hết sức quan trọng của thăm khám lượng giá chức năng, nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của bệnh lý, khiếm khuyết lên các chức năng của người bệnh, mà chủ yếu là các chức năng vận động và thần kinh cao cấp. từ mức độ chức năng còn lại của người bệnh, ta có thể đề ra chương trình can thiệp tăng tiến nhằm giúp người bệnh dần dần đạt được chức năng ban đầu đã giảm/mất hoặc chỉ định các loại dụng cụ hỗ trợ, chỉnh hình, thay thế phù hợp để bù trừ sự suy giảm cấu trúc/chức năng.
Lượng giá chức năng theo ICF bao gồm cả lượng giá sự giảm chức năng và hạn chế sự tham gia, do đó, tùy theo bối cảnh sinh hoạt làm việc của người bệnh, có thể cần đánh giá cả các yếu tố môi trường như nhà ở, trường học, đường xá… để xác định rõ hơn những yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của người bệnh trong cuộc sống gia đình, công việc, cộng đồng.
Trong bối cảnh phục hồi chức năng thông thường, lượng giá sự giảm khả năng thường được đánh giá từ lúc thăm khám ban đầu và những lần khám sau, còn lượng giá sự hạn chế tham gia thường chỉ được thực hiện khi người bệnh ra viện, hòa nhập cộng đồng.
Những chức năng vận động và thần kinh thường được lượng giá là:

  1. Chức năng vận động thô, di chuyển (thân mình và chân) (còn được gọi là vận động chức năng)
  2. Chăm sóc bản thân (tay)
  3. Làm việc nhà, nội trợ
  4. Làm việc
  5. Chức năng giao tiếp, ngôn ngữ
  6. Chức năng nhận thức, thu nhận và giải quyết vấn đề (học tập, ứng xử)
  7. Chức năng tình cảm, cảm xúc
  8. Tham gia các hoạt động xã hội
  9. Vui chơi, giải trí, thể thao
  • Chức năng sinh hoạt hàng ngày

Chức năng cơ bản nhất và thường được lượng giá nhất khi thăm khám lượng giá PHCN là chức năng sinh hoạt hàng ngày. Sinh hoạt hàng ngày (ADL: Activities of Daily Living) là từ để chỉ những hoạt động cơ bản cần thiết cho cuộc sống hàng ngày; các hoạt động này liên hệ tới môi trường đặc biệt của mỗi cá nhân người bệnh.
Các nhóm sinh hoạt hàng ngày phổ biến bao gồm:
1. Sinh hoạt tại giường:
Bao gồm tất cả những vận động thô cần thiết để sinh hoạt trên giường, đạt được vị trí mong muốn phù hợp với sinh hoạt tự chăm sóc.
– Thay đổi vị trí: lăn, lật, trồi lên, trụt xuống…
– Ngồi dậy và cử động ở vị trí ngồi.
– Giữ thăng bằng ngồi khi di động thân mình và hai tay theo mọi hướng.
– Di động từ trước ra sau và nghiêng bên khi ngồi và buông chân.
2. Sinh hoạt trên xe lăn (nếu có):
Bao gồm tất cả những cử động cần thiết khi dùng xe lăn.
– Chuyển từ xe lăn lên giường, xuống bồn vệ sinh, bồn tắm…
– Sử dụng xe lăn
3. Hoạt động di chuyển và leo trèo (có hay không có dụng cụ trợ giúp)
– Hoạt động di chuyển đi: trong nhà, trên các mặt nền khác nhau
– Leo trèo, lên xuống bậc thang, triền dốc, qua đường…
– Sử dụng phương tiện đi lại.
4. Sinh hoạt tự chăm sóc:
– Sinh hoạt vệ sinh: vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt, chải đầu, tắm rửa…), chăm sóc cá nhân, nhu cầu vệ sinh bài tiết…
– Sinh hoạt mặc áo quần
– Sinh hoạt ăn uống
chăm sóc dụng cụ cá nhân
– nghỉ ngơi và ngủ
Việc đánh giá khả năng thực hiện ADL của bệnh nhân được thực hiện bằng cách hỏi và quan sát người bệnh thực hiện các hoạt động như thế nào, người bệnh có thể thực hiện động tác được hay không, nếu được thì thực hiện như thế nào, có cần dụng cụ trợ giúp đặc biệt hay người khác trợ giúp hay không.

  •  Các thang điểm lượng giá:

Để đánh giá tình trạng chức năng, việc sử dụng một thang điểm chuẩn hóa đôi khi đem lại nhiều lợi ích (để so sánh trước sau, để so sánh giữa các bệnh nhân và các nhóm bệnh nhân). Không có một thang điểm nào phù hợp cho tất cả các bệnh nhân, nhưng hiện nay thang điểm Đo lường Độc lập Chức năng (FIM: Functional Independence Measure) là thang điểm thường được sử dụng nhất ở các bệnh nhân nội trú ở Hoa kỳ.
Thang điểm FIM chỉ đo sự hạn chế hoạt động của 18 hoạt động khác nhau theo 7 mức độ về sự độc lập như sau:
7 – Độc lập: bệnh nhân có thể thực hiện được động tác một cách an toàn, đúng thời gian mà không cần sự có mặt của người khác và dụng cụ trợ giúp.
6 – Độc lập giảm nhẹ: bệnh nhân có thể thực hiện được chức năng với sự trợ giúp của dụng cụ trợ giúp hoặc thời gian lâu hơn bình thường.
5 – Giám sát: bệnh nhân cần phải có ai đó đứng bên cạnh và/hoặc hướng dẫn bằng lời trong quá trình thực hiện động tác.
4- Trợ giúp tối thiểu: bệnh nhân có khả năng hoàn thành động tác với sự trợ giúp tối thiểu (bệnh nhân thực hiện được 75 % động tác).
3 – Trợ giúp trung bình: bệnh nhân cần sự trợ giúp trong toàn bộ hoạt động nhưng không quá 50 % công việc).
2 – Trợ giúp tối đa: bệnh nhân cần sự trợ giúp hơn 50 % cho toàn bộ hoạt động.
1 – Lệ thuộc: bệnh nhân không thực hiện được động tác mà cần phải có sự trợ giúp của người khác (bệnh nhân lệ thuộc hoàn toàn vào người khác).
18 mục hoạt động chức năng đó là:
Sinh hoạt tự chăm sóc: 6 mục

  • Ăn uống
  • Đánh răng rửa mặt chải đầu
  • Tắm rửa
  • Mặc áo
  • Mặc quần
  • Đi vệ sinh

Kiểm soát cơ tròn: 2 mục

  • Kiểm soát bàng quang
  • Kiểm soát ruột

Di chuyển: 3 mục

  • Di chuyển trên giường, ghế, xe lăn
  • Di chuyển vệ sinh
  • Di chuyển khăn tắm, vòi tắm

Đi lại: 2 mục

  • Đi/ di chuyển bằng xe lăn
  • Lên xuống cầu thang

Giao tiếp: 2 mục

  • Hiểu
  • Diễn đạt

Nhận thức xã hội: 3 mục

  • Tương tác xã hội
  • Giải quyết vấn đề
  • Trí nhớ


Ngoài ra, nhiều tác giả còn đưa ra nhiều bảng hoặc chỉ số dùng để đánh giá chức năng khác nhau, ví dụ như chỉ số Barthel với bệnh lý thần kinh, Bảng câu hỏi Owestry trong lượng giá đau thắt lưng, Bảng câu hỏi DASH với đau vai tay, … Do vậy khi lượng giá một bệnh nhân với một bệnh lý cụ thể tùy theo mục đích và loại bệnh tật ta có thể sử dụng nhiều thang điểm lượng giá khác nhau.

Chia sẻ tin này:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận