Phục hồi chức năng sau phẫu thuật mổ nội soi gân cơ chóp xoay

Chia sẻ tin này:
Gân cơ chóp xoay dễ bị thương tổn do vận động khớp vai linh hoạt. Các chấn thương hoặc tình trạng thoái hóa đều có thể dẫn đến rách gân chóp xoay. Chương trình phục hồi chức năng đúng cách sẽ giúp phục hồi gân và đưa bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT MỔ NỘI SOI GÂN CƠ CHÓP XOAY

I. GIỚI THIỆU VỀ GÂN CƠ CHÓP XOAY

– Chóp xoay là tên gọi chung cho nhóm bốn gân bám vào đầu trên xương cánh tay đó là: gân cơ dưới vai, gân cơ trên gai, gân cơ dưới gai và gân cơ tròn bé

– Chức năng chính của gân cơ chóp xoay:

  + Hỗ trợ xoay đầu trên xương cánh tay đúng vị trí trong các cử động của chi trên

  + Ổn định đầu trên xương cánh tay vào trong ổ chảo bằng lực nén ép làm cân bằng lực của các cơ trong quá trình vận động của khớp vai

II. NGUYÊN NHÂN

Gây ra tình trạng viêm hay đứt gân cơ chóp xoay

• Cử động của gân cơ trên gai quá nhiều

• Sử dụng nhóm cơ chóp xoay liên tục

• Cử động khớp vai đột ngột, nhanh, mạnh qua đầu

•  Thiếu máu nuôi vùng gân cơ chóp xoay

• Bệnh lý thoái hóa tại chóp xoay

Ở người lớn tuổi, gân cơ chóp xoay bị mòn và yếu là bình thường, cho nên những té ngã có thể làm chấn thương rách hoặc đứt hoàn toàn gân cơ chóp xoay và dẫn đến tình trạng đau, yếu khớp vai

Rách gân cơ chóp xoay
Rách gân cơ chóp xoay

III. DẤU HIỆU LÂM SÀNG

1. Bệnh sử:

• Bệnh nhân có thể bị chấn thương khớp vai, nhưng đa số các trường hợp bệnh nhân tự nhiên xuất hiện cơn đau vùng vai.

• Cơn đau mặt ngoài khớp vai lan xuống cánh tay nhưng không quá khuỷu, đau lan lên cổ và gây chẩn đoán nhầm với bệnh lý cột sống cổ.

• Đau nhiều về đêm lúc gần sáng khiến bệnh nhân mất ngủ, đau khiến bệnh nhân không thể nằm nghiêng bên vai bị bệnh. Cảm giác yếu, mỏi cánh tay khi nhấc tay và khi làm việc với cánh tay ở tư thế giạng.            

2. Lâm sàng:

• Có hay không có teo các cơ chóp xoay nhất là cơ trên gai và dưới gai ở hố trên gai và dưới gai.

•  Vận động chủ động có thể bị hạn chế, vận động thụ động thường là bình thường nếu không có tình trạng viêm co rút bao khớp vai kèm theo.

• Ấn đau vùng củ lớn xương cánh tay, củ bé xương cánh tay hay đầu dài gân nhị đầu trong rãnh nhị đầu tùy theo thành phần bị tổn thương

3. Phân loại

Có nhiều cách phân loại khác nhau về rách chóp xoay. Hiện tại các tác giả có thể phân loại theo:

– Theo kích thước của De Orio:

• Rách nhỏ: <1cm

• Rách vừa: 1-3cm

• Rách lớn :3-5cm

• Rách rất lớn: >5cm

– Theo hình dạng của Lo và Burkhart:

• Hình liềm hay hình chữ C

• Hình chữ U

• Hình chữ L

• Rách rất lớn (theo thứ tự từ trái sang phải)

IV. ĐIỀU TRỊ

Việc phẫu thuật cơ chóp xoay được xem xét bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

• Thất bại sau khi điều trị bảo tồn ( dùng thuốc kháng viêm, tiêm cortisone ,vật lý trị liệu), sau khi điều trị một thời gian nếu những phương pháp trên không đạt được kết quả thì việc phẫu thuật cần được xem xét

• Mức độ triệu chứng của bệnh nhân: bệnh nhân với vết rách nhỏ có thể được trì hoãn mổ để được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật. Đối với bệnh nhân có cơn đau liên tục kéo dài, khó khăn trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày, đau tăng về đêm.

• Yêu cầu và mong muốn của người bệnh: người bệnh có lối sống vận động nhiều hoặc là vận động viên chuyên nghiệp cần phải phẫu thuật để trở lại công việc và thể thao sớm hơn

• Loại rách: đối với rách nhỏ thì sẽ được ưu tiên điều trị không phẫu thuật để giảm triệu chứng.Đối với rách lớn và rách rất lớn cần được can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt.

V. PHCN SAU PHẪU THUẬT MỔ NỘI SOI GÂN CƠ CHÓP XOAY

PHCN sau phẫu thuật mổ nội soi gân cơ chóp xoay được chia làm 6 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: 1-4 tuần sau phẩu thuật
  • Giai đoạn 2:4 -8 tuần sau phẫu thuật
  • Giai đoạn 3: 8-13 tuần sau phẫu thuật
  • Giai đoạn 4: 13-16 tuần sau phẫu thuật
  • Giai đoạn 5: 16-22 tuần sau phẫu thuật
  • Giai đoạn 6: 22 tuần trở đi

1. Giai đoạn 1:

– Thời gian: 1-4 tuần sau phẫu thuật

– Tiêu chuẩn quá trình ở giai đoạn này: sau phẫu thuật

1.1. Mục tiêu:

  • Thoải mái duy trì sự toàn vẹn vết mổ, bảo vệ vị trí phẫu thuật
  • Tăng tầm vận động cũng như sự chịu đựng mà không tăng hết tầm vận động
  • Giảm đau, giảm viêm
  • Giảm co cứng cột sống cổ đến mức thấp nhất
  • Duy trì hết tầm vận động cổ tay, khuỷu tay

1.2. Tiên lượng khiếm khuyết và giới hạn chức năng:

  • Tầm vận động bị giới hạn
  • Giảm sức mạnh cơ
  • Đau
  • Sự hạn chế khởi đầu khi thực hiện vận động thụ động khớp vai
  • Chi trên bất động phụ thuộc vào đai đeo hoặc nẹp

1.3. Can thiệp phục hồi chức năng:

  • Điện trị liệu
  • Lạnh trị liệu
  • Bài tập vận động thụ động: bài tập quả lắc
  • Bài tập vận động chủ động: khớp khuỷu
  • Bài tập mạnh ở khớp bàn- các ngón tay
  • Di động xương bả vai
  • Di động cột sống cổ, xoa bóp mô mềm vùng cột sống cổ, kéo giãn cơ cột sống cổ

1.4. Chú ý:

  • Không vận động chủ động khớp vai trước:  rách nhỏ ( 4 tuần ), rách vừa ( 6 tuần), rách lớn (8 tuần), rách lớn hơn ( 12 tuần)
  • Mang đai treo tay: rách nhỏ  ( từ 1 đến 3 tuần), rách vừa( từ 3 đến 6 tuần), rách lớn (6- 8 tuần)
  • Bệnh nhân sử dụng nẹp chức năng ( dang từ 20 đến 40 độ)
  • Không tập mạnh, đề kháng trước 12 tuần.
  • Vận động thu động khớp vai không đau: 140 độ gập vai, 40 độ xoay ngoài, 60-80 độ dang ( không xoay khớp vai), xoay trong trong mặt phẳng xương bả vai không đau.

2. Giai đoạn 2:

Thời gian: từ 5- 8 tuần sau phẫu thuật

2.1. Tiêu chuẩn quá trình ở giai đoạn này:

  • Vết thương lành tốt
  • Giảm đau đến mức tối thiểu
  • Cải thiện được tầm vận động thụ động
  • Cải thiện được các mẫu khi ngủ

2.2. Mục tiêu:

  • Cải thiện tầm vận động  ( vận động thụ động gập-dang vai  từ 150-180 độ, xoay ngoài 70 độ, xoay trong 55 độ)
  • Vận động chủ động có trợ giúp hướng lên đến điểm cao nhất
  • Cải thiện giảm kết dính mô sẹo,giảm đau

2.3. Tiên lượng khiếm khuyết và giới hạn chức năng:

  • Giới hạn tầm vận động
  • Giới giạn sức mạnh cơ

2.4. Can thiệp:

  • Tiếp tục các bài tập ở giai đoạn 1
  • Bắt đầu các bài tập vận động chủ động có trợ giúp (nằm ngửa) lúc 6 tuần để hướng tới các bài tập vận động chủ động ( gâp, dang, xoay ngoài và xoay trong)
  • Các bài tập PNF cho tri trên ( các bài tập co cơ đẳng trường)
  • Di động mô mềm, giảm kết dính sẹo
  • Bài tập sức bền tim mạch

Chú ý: Sự tăng đau, sưng rõ rệt trong quá trình tập luyện phải được báo ngay lập tức và ngưng các bài tập lại

3. Giai đoạn 3:

Thời gian: từ 8-13 tuần sau phẫu thuật

3.1. Tiêu chuẩn ở giai đoạn này:

  • Cải thiện vững chắc tầm vận động, sức mạnh cơ khớp vai đạt được bậc 3
  • Kiểm soát được cơn đau

3.2. Mục tiêu:

  • Tăng các bài tập để bệnh nhân có thể thực hiện tại nhà
  • Đạt được hết tầm vận động
  • Đau giảm ở mức tối thiểu
  • Có thể thực hiện được các hoạt động chăm sóc bản thân bằng cách sử dụng được chi trên

3.3. Tiên lượng khiếm khuyết và giới hạn chức năng:

  • Giới hạn vận động chủ động
  • Hạn chế sức chịu đựng khi sử dụng bằng chi trên
  • Giới hạn tầm với

3.4. Can thiệp:

  • Tiếp tục các bài tập ở giai đoạn 1 và 2, nếu cần
  • Các bài tập vận động chủ động hết hết tầm, hướng tới các bài tập co cơ đẳng trương ( gập vai, dang vai trong mặt phẳng xương bả vai sau 10 tuần )
  • Kéo giãn thụ động (xoay trong, xoay ngoài khớp vai)
  • Các bài tập mạnh đai vai ( nằm sấp, chống đẩy vào tường,..)
  • Các bài tập PNF ổn định nhịp nhàng khớp vai, đai vai
  • Di động khớp cùng vai đòn

4. Giai đoạn 4

Thời gian: 13-16 tuần sau phẫu thuật

4.1. Tiêu chuẩn quá trình ở giai đoạn này:

  • Vận động hết tầm hoặc gần hết tầm vận động
  • Đau được kiểm soát và quản lý được cơn đau, không tăng đau vào ban đêm
  • Không giảm sức mạnh khi thêm bài tập ở giai đoạn 3

4.2. Mục tiêu:

  • Tăng hết tầm vận động
  • Tăng sức bền, chức năng chi trên được cải thiện

4.3. Tiên lượng khiếm khuyết và giới hạn chức năng:

  • Hạn chế sức chịu đựng khi đưa tay qua đầu
  • Đau khi các hoạt động liên quan đến chi trên được kéo dài
  • Hạn chế sức mạnh của cơ chóp xoay

4.4. Can thiệp:

  • Các bài tập ở giai đoạn 3 được tiếp tục và tăng tiến cho thích hợp
  • Các bài tập kéo giãn tăng tầm vận động khớp vai, kéo dãn bao khớp
  • Các bài tập đề kháng cử động của đai vai, khớp vai tăng tiến dần ( tạ, dây thun, kỹ thuật viên..)
  • Các bài tập chuỗi động đóng
  • Các mẫu cử động mô phỏng làm việc và thể thao
  • Kéo giãn và di động cột sống ngực khi cần thiết

5. Giai đoạn 5:

Thời gian: 17-21 tuần sau phẫu thuật

5.1. Tiêu chuẩn quá trình ở giai đoạn này:

• Tiến triển qua giai đoạn 4 mà không giảm sức mạnh hoặc đau

5.2. Mục tiêu:

  • Cải thiện sự kiểm soát thần kinh cơ
  • Trở lại làm việc với các hoạt động chức năng
  • Bắt đầu quay trở lại với thể thao

5.3. Tiên lượng khiếm khuyết và giảm chức năng:

  • Hạn chế sức mạnh và sức bền của nhóm cơ chop xoay
  • Có cơn đau khi đưa tay qua đầu

5.4. Can thiệp:

  • Các bài tập ở giai đoạn 4 được tiếp tục
  • Các bài tập di động khớp thích hợp ( cột sống cổ, cột sống ngực, khớp cùng vai đòn)
  • Các bài tập mạnh, đề kháng đai vai, khớp vai được tăng tiến hơn nữa ( tạ, dây thun, kỹ thuật viên …)
  • Bắt đầu chương trình tập luyện thể thao riêng, dần trở lại công việc được chỉ định bởi người điều trị

5.5. Chú ý:

  • Trở lại với thi đấu thể thao có thể từ 8-12 tuần sau phẫu thuật và phụ thuộc vào môn thể thao, kích thước vết rách, chất lượng mô, sự tiên lượng của người điều trị

6. Giai đoạn 6:

Thời gian: 22 tuần trở lên

6.1. Mục tiêu:

  • Trở lại các hoạt động bình thường, làm việc bình thường
  • Duy trì hết tầm vận động
  • Tiếp tục tăng sức mạnh và sức bền ở đia vai, khớp vai
  • Các vận động viên có thể trở lại bình thường với môn thể thao từ giữa 6 đến 12 tháng

6.2. Lưu ý: Dấu hiệu báo động:

  • Mất vận động (đặc biệt là xoay trong)
  • Mất sức cơ từ từ (đặc biệt là dang)
  • Đau nhiều không giảm (đặc biệt đau liên tục vào ban đêm)

6.3. Điều tri:

  • Bệnh nhân cần quay lại chế độ tập luyện nhẹ nhàng trước đó
  • Giảm đau
  • Phẫu thuật lại

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành phục hồi chức năng – Quyết định số 3109/QĐ-BYT Ngày 19/08/2014

2. Bộ Y tế, Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng – Quyết định số: 54/QĐ-BYT ngày 06/01/2014

3. Lisa Maxey MS PT, Jim Magnusson MS ATC PT, “Rehabilitation for the Postsurgical Orthodepic Patient (third edition)”, 2013

4. https://www.verywellhealth.com/when-a-rotator-cuff-tear-requires-surgery-2549767

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận