Kỹ thuật đặt tư thế đúng cho bệnh nhân liệt tủy

Chia sẻ tin này:

KỸ THUẬT ĐẶT TƯ THẾ ĐÚNG CHO NGƯỜI BỆNH LIỆT TỦY

I. ĐẠI CƯƠNG
– Đặt tư thế đúng cho người bệnh tổn thương tủy sống nhằm giữ cân bằng những lực cơ trái nghịch nhau có hại cho người bệnh (rối loạn thăng bằng, tăng trương lực cơ), gây cản trở người bệnh tiếp cận một cách đúng đắn với môi trường, do đó làm hạn chế những khả năng còn lại của họ
– Đặt tư thế đúng cho người bệnh tổn thương tủy sống sẽ giúp phòng ngừa, hạn chế hoặc sửa đổi các biến chứng như loét và cứng khớp.
– Cách đặt tư thế đúng liên quan đến tư thế nằm và ngồi, và cũng liên quan đến tất cả những bộ phận khác của cơ thể dễ bị biến chứng.
II. CHỈ ĐỊNHliet.2.chi_.duoi_
Người bệnh tổn thương tủy sống gây liệt tứ chi hoặc hai chân
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Thận trọng khi người bệnh còn trong tình trạng cấp cứu.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
– Kỹ thuật viên hoặc người đã được đào tạo chuyên khoa và thành thạo kỹ thuật
– Người nhà hoặc bản thân người bệnh đã được hướng kỹ thuật dẫn đầy đủ
2. Phương tiện
– Giường bệnh hoặc giường tập: phải phù hợp với mức tổn thương, phải thoải mái
và phải giúp tạo thuận cho người bệnh tiếp cận với môi trường sống.
– Gối vuông mềm: 06 chiếc
– Gối tròn: 04 chiếc
– Chăn hoặc vỏ chăn: 02 chiếc
– Túi cát loại 02 kg: 03 túi
– Ghế hoặc xe lăn: 01 chiếc
3. Người bệnh, người nhà
Thông báo, giải thích rõ ràng để người bệnh và gia đình yên tâm và phối hợp
V. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN
1 Đặt tư thế đúng trên giường
– Hai chi trên:
+ Đặt cánh tay dọc theo thân, đảm bảo cho cả cánh tay được nâng đỡ để tránh phù nề và tránh đau
+ Vai và bả vai được nâng đỡ để tránh một tư thế gắng sức gây đau
+ Khuỷu để duỗi để tránh biến dạng gập
+ Hai bàn tay được đặt sao cho thuận tiện cho tác dụng khóa gân (tenodesis) (động tác gập duỗi cổ tay): Gấp cuộn tròn các ngón tay, cổ tay ở tư thế duỗi nhẹ 30 độ,
các xương bàn – đốt ngón tay và những khớp gian đốt ngón tay ở tư thế gập 90 độ, các khớp gian đốt ngón xa ở tư thế trung tính 0 độ.
+ Hoặc tư thế của bàn tay ở tư thế nghỉ ngơi (cổ tay duỗi 30 độ, xương bàn tay-đốt ngón tay gập 45 độ, các khớp gian đốt gấp nhẹ.
– Chi dưới:
+ Hông và gối được đặt thẳng, hông dạng 30 độ: sử dụng gối chêm.
+ Tư thế nằm nghiêng: Sử dụng gối chem giữa hai gối, sát dưới lưng để giảm tải cho phần xương cùng và giữ hai bàn chân gập mặt mu (xoay trở đều đặn về ban đêm).
+ Giảm tải dưới gót chân bằng cách duy trì gập mu cổ chân 90 độ.
2. Đặt tư thế ngồi đúng (trên ghế hoặc trên xe lăn)
– Tư thế lý tưởng là ngồi trên một mặt phẳng nằm ngang với hông gấp 90 độ, gối gấp 90 độ, gập mu chân 90 độ, bàn chân đặt sát vào chỗ tựa.
– Khung chậu: Kiểm tra qua ba mặt phẳng không gian:
+ Hai gai chậu trước trên ngang bằng nhau (mặt phẳng nằm ngang)
+ Gai chậu trước trên thẳng đứng so với mấu chuyển lớn (mặt phẳng đứng)
+ Hai gối ngang bằng nhau (mặt phẳng trán)
Hai chân: Hai chân phải được nâng đỡ tốt bằng hai tấm để chân, sao cho phần dưới đùi phải tiếp xúc với nơi tựa của chỗ ngồi.Có thể thêm một miếng mút hoặc gối chêm để bảo vệ hai gót chân.
Cột sống: Cột sống phải được giữ thẳng và vững vàng. Chiều cao chỗ tựa lưng của xe lăn có thể được điều chỉnh tùy theo mức độ thăng bằng và mức tổn thương tủy cao hay thấp.
– Hai chi trên: Hai vai được giữ vững và đối xứng nhờ vào sự điều chỉnh hai chỗ gác tay. Đối với người liệt tứ chi: hai bàn tay phải luôn ở tư thế bàn tay chức năng.
Cổ và đầu: Tránh tất cả những tư thế gập, duỗi, nghiêng hoặc mọi trạng thái căng cứng. Có thể thêm một chỗ tựa đầu để giúp nâng đỡ và tạo thoái mái cho người bệnh liệt tứ chi cao.
VI. THEO DÕI
– Đánh giá tình trạng người bệnh sau khi tập
– Theo dõi phát hiện các dấu hiệu bất thường
– Nếu có bất thường xử trí kịp thời theo đúng phác đồ, báo cáo bác sỹ
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Đau, khó chịu, mệt mỏi
– Xử trí: cho người bệnh nghỉ ngơi, theo dõi, dùng thuốc giảm đau nếu đau nhiều.

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận